Siêu kinh tế học hài hước (SuperFreakonomics) – Steven D. Levitt & Stephen J. Dubner

Đây là cuốn sách tôi sẽ đọc lại lần 2.

Khi bắt đầu với nó, tôi chờ những khái niệm, nguyên tắc kinh tế được trình bày theo góc nhìn hài hước thông qua các câu chuyện đời thường. Um, rốt cuộc thì cũng gần đúng, chỉ hơi ngược: cuốn sách trình bày các góc nhìn về vài câu chuyện, và ta phải tự rút ra được cái gì đó thì rút.

Ấn tượng và cũng là bài học đầu tiên từ cuốn sách: chúng ta thường chưa hiểu đúng bản chất của mọi sự vật hiện tượng quanh ta.

Một cô gái bán dâm có thực là những con người bị đẩy vào đường cùng? Và liệu một gái bán dâm làm việc với các tên ma cô là khổ sở hơn những gái bán dâm khác? Có thể có, nhưng có thể không phải vậy (đọc xong cuốn này, tự nhiên tôi thấy nghi ngờ mọi thứ xung quanh :). Nói chuyện tên ma cô. Một gái bán dâm có thể phải trả một ít tiền, hay khá nhiều tiền để được dẫn khách, và để không bị quấy nhiễu, đánh đập. Nhưng bù lại, cô có nhiều mối khách “sộp” hơn (rất dễ dàng cho các gã tự tìm gái tỏ ra keo kiệt, nhưng khi có thêm 1 người thứ 3 biết chuyện, thì họ lại có xu hướng tỏ ra là 1 “quý ông”, ít nhất là trong chuyện tiền bạc); cô làm việc với thời gian ít hơn; và cô được bảo đảm an toàn trước những gã côn đồ và cả cảnh sát, miễn là vẫn trong khu vực do tay ma cô quản lý.

Một ví dụ khác khủng khiếp hơn. Để bảo vệ môi trường, chúng ta nên cắt giảm lượng khí thải độc hại? Hoặc là xả thêm hàng trăm lít lên bình lưu? Trở lại vụ núi lửa Pinatubo chấn động năm 1991 tại Philippines, hàng ngàn tấn khí dioxit lưu huỳnh và tro bụi phát tán ra bầu không khí. Và trong 1 năm, nhiệt độ trái đất trung bình giảm đi 1.5 độ C. Mọi hậu quả làm nóng trái đất do con người gây ra trong hàng thế kỷ, nay đã bị đảo ngược chỉ trong 1 thời gian ít ỏi. Vậy chúng ta nên làm gì để khắc phục tình trạng ấm lên toàn cầu?

Sự thật thú vị bên lề: các giống gia súc lớn, thông qua đường đánh rắm, mới là tác nhân của 80% khí thải độc hại chứ không phải xe hơi hay nhà máy.

Vậy, thiết nghĩ cũng rất nên đào lại mớ kiến thức và kinh nghiệm tích lũy cả chục năm tuổi đời chứ nhỉ? Và sau này, khi làm quen và tìm hiểu bất cứ thứ gì, vật gì, và đặc biệt là con người … Nhớ! Sâu thêm một chút. 

Chuyện thứ hai, con người (và cả con vật), luôn hành động với động cơ lợi ích cá nhân. 

Bạn nghĩ gì về một người cho đi một số tài sản rất lớn như là món quà từ thiện? Rộng lượng? Tốt bụng thái quá? Con người đó do Chúa / ông Trời cử xuống? Cho xin! Con người không có ai là thánh, mà họ chỉ hành động vì lợi ích của chính họ mà thôi. Dễ thấy các ông bà lớn tuổi hay làm từ thiện, họ làm thế vì: họ thấy thanh thản / họ được vui với bạn bè / họ không bị mất mặt vì không làm từ thiện trong khi bạn mình có, như thế có thể bị coi là bủn xỉn … Hoặc những doanh nhân giàu có, ngôi sao màn bạc làm từ thiện: họ thấy vui, thanh thản (giống ở trên) họ có thêm mối quan hệ quan trọng / họ được thêm tiếng tăm / họ không bị coi là kẻ không biết sẻ chia với xã hội … Còn nếu không làm từ thiện? Họ giữ được tiền, tài sản của họ trong túi, dĩ nhiên.

Lòng vị tha: một người sẵn sàng cho đi nếu anh ta biết người nhận, và anh ta đang bị quan sát. Cũng người đó, sẵn sàng cướp đi nếu không ai biết, không bị bẽ mặt. Có phải không?

Phải thừa nhận một điều, chúng ta đều hành động – mỗi hành động – vì để được một điều gì đó, hoặc là để không mất đi một cái gì đó.

Nhưng điều thứ ba, lại hơi mâu thuẫn với điều hai, chúng ta không phải lúc nào cũng hành động vì lợi ích lớn nhất của mình.

Sáng mai bạn có một bài kiểm tra vô cùng quan trọng mà bạn vẫn chưa chuẩn bị kĩ. Buổi tối lũ bạn lại rủ bạn đi dự sinh nhật (mà rất rất nhiều khả năng là sẽ về khuya, và rất rất rất rất nhiều khả năng là về xong là bạn ngủ thẳng cẳng). Đi sinh nhật vẫn có thể hoãn (đúng), còn nhà trường thì không rãnh để tổ chức kì thi khác cho mình bạn. Và không ngạc nhiên chút nào khi rất nhiều trong lũ non trẻ chúng ta đã chọn đi chơi.

Câu chuyện tương tự xảy ra với Ford và thiết bị an toàn trên xe hơi. Dây an toàn vô cùng rẻ để gắn lên xe (dĩ nhiên càng rẻ khi so sánh với chi phí của một đời sống thực vật). Nhưng tại thời điểm khởi xướng, chẳng ai muốn thêm thứ rườm rà đó cho chiếc xe của mình, vừa xấu xe vừa phải trả thêm tiền. Đến khi dây an toàn được chấp nhận, người ta lại ồ ạt sản xuất ghế an toàn trên xe hơi cho trẻ em, và các bậc làm cha mẹ ồ ạt mua. Qua các thí nghiệm thực tế, dây an toàn – dù ban đầu được thiết kê cho người lớn – vẫn có tác dụng ngăn cản chấn thương cho trẻ tương đương, với mức chi phí giảm cơ số lần so với lắp đặt thêm ghế an toàn. Các ông cha bà mẹ tiếp tục mua ghế an toàn và gắn lên xe, rất không hay về tiền bạc cho gia đình trung lưu với nhiều hơn 2 đứa con.

Thói quen! Một thứ vô cùng khó thay đổi. Muốn bán được một sản phẩm đột phá? = thay đổi thói quen của rất nhiều người. Làm đi!

Tạm thời vậy thôi, sẽ viết tiếp khi nào nghiền ngẫm lại.

Lời cuối: cuốn sách này không phải là loại sách để cảm xúc sướt mướt, nó là một cuốn sách nghiên cứu, tham khảo  có thể dùng để giải trí khi bạn chán những thứ truyện, báo, tạp chí đầy tình tiết giật gân.

Hoài Văn

Tp.HCM, ngày 19 tháng 02 năm 2012

Leave a comment